TOP 10 Câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn xin việc & Cách trả lời hay nhất

Advertisement

Lời ngỏ: Mặc dù không trực tiếp làm trong ngành tuyển dụng, nhưng với hơn 5 năm kinh nghiệm quản lý và tham gia các buổi phỏng vấn tìm ứng viên thì tôi tin rằng 10 câu hỏi phỏng vấn và cách trả lời (kèm ví dụ) dưới đây sẽ là “phao” giúp bạn có được một buổi nói chuyện thành công với bất kỳ nhà tuyển dụng nào.

Bạn đã sẵn sàng để tham gia vào cuộc phỏng vấn quan trọng cho công việc sắp tới của bạn chưa? Điều quan trọng là bạn phải luôn luôn trong tâm thế sẵn sàng trả lời thật tốt các câu hỏi mà NTD thường hỏi. Vì những câu hỏi phỏng vấn này rất phổ biến nên NTD (NTD) sẽ mong bạn có thể trả lời các câu hỏi này một cách trôi chảy nhất và tự tin nhất.

Chú ý:

Bạn không cần phải học-thuộc-lòng một câu trả lời nào đó. Tất cả bạn cần là chuẩn bị và suy nghĩ về những gì sẽ trả lời để nói thật đúng, thật đủ và tự tin nhất.

Việc chuẩn bị trước những câu trả lời mà NTD thường hỏi sẽ giúp bạn chủ động và có ý thức tốt nhất về nội dung. Bên cạnh đó, nó còn giúp bạn giảm thiểu được căng thẳng, giúp bạn cảm thấy tự tin và thoải mái hơn. Sau tất cả thì việc “ghi điểm” với NTD sẽ mang lại kết quả tốt nhất cho buổi phỏng vấn xin việc của bạn.

Nội dung chính

10 câu hỏi phỏng vấn xin việc thường gặp & Cách trả lời tốt nhất (+ Ví dụ)

Bạn lo lắng không biết NTD sẽ hỏi mình những câu gì khi đi phỏng vấn?

Cho dù có làm ở ngành, nghề nào đi chăng nữa thì dưới đây là những câu hỏi thường gặp nhất khi bạn đi xin việc. Cùng với đó, Danongviet.vn sẽ chia sẻ thêm về những câu trả lời hay nhất tương ứng cho các câu hỏi đó.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng này sẽ giúp bạn tự tin và cũng đạt hiệu quả cao nhất cho buổi phỏng vấn.

Câu hỏi 1: Hãy giới thiệu một chút về bản thân bạn.

Với câu hỏi này NTD sẽ muốn biết bạn trả lời như thế nào để họ biết lý do tại sao bạn lại là một ứng viên phù hợp tuyệt vời cho công việc đang tuyển dụng?

Hãy cố gắng trả lời các câu hỏi về bản thân mà không cung cấp quá nhiều hoặc quá ít thông tin về cá nhân của bạn. Các thông tin về cá nhân của bạn sẽ ở mức vừa đủ. Bạn có thể bắt đầu bằng cách chia sẻ một số sở thích và kinh nghiệm cá nhân của bạn mà không liên quan trực tiếp đến công việc. Chẳng hạn như là sở thích yêu thích của bạn, học vấn – kinh nghiệm của bạn.

Cách giới thiệu bản thân khi đi phỏng vấn

cách giới thiệu bản thân khi đi phỏng vấn

Bạn thậm chí có thể chia sẻ một số sự thật thú vị hoặc giới thiệu về tính cách của mình để xua tan bầu không khí căng thẳng trong buổi phỏng vấn.

Công thức thành công với câu hỏi này là: Hiện tại – Quá khứ – Tương lai

Bắt đầu với tổng quan ngắn gọn về vị trí hiện tại của bạn (có thể bao gồm công việc hiện tại của bạn cùng với tham chiếu đến sở thích hoặc đam mê cá nhân)

Liên hệ với con đường/cách dẫn bạn đến được vị trí hiện tại của mình (ở đây bạn có thể đề cập đến trình độ học vấn hoặc kinh nghiệm quan trọng như công việc trước đây, thực tập hoặc kinh nghiệm tình nguyện) và.…

Kết thúc bằng cách chạm vào một mục tiêu cho tương lai. Sẽ là điểm cộng nếu bạn có thể xác định vị trí bạn đang ứng tuyển phù hợp như thế nào với cách bạn hình dung tương lai của mình.

Một số câu trả lời tốt nhất tham khảo

Luôn trung thực, ngắn gọn và tự tin khi trả lời những câu hỏi này. Mục tiêu của chúng ta là chia sẻ điều gì đó thú vị về bản thân với tư cách là một ứng viên.

Hãy chuẩn bị với một vài điều để chia sẻ và đảm bảo chúng thể hiện được những kỹ năng và phẩm chất mà công việc bạn đang ứng tuyển cần đến.

Ví dụ 1:

Khi không làm việc, tôi thích dành thời gian cho chú chó nhỏ của mình. Tôi đưa nó đi dạo lòng vòng quanh thị trấn. Không ít người ngạc nhiên và bị thu hút bởi nó, và tôi luôn thích nói chuyện với những người tôi gặp. Tôi cảm thấy rằng giao tiếp cũng là một trong những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống nghề nghiệp của tôi. Khi nói chuyện với mọi người, có thể hướng cuộc trò chuyện theo một hướng cụ thể là một kỹ năng mà tôi khá tự tin.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Ứng viên Gen Z này cho thấy sở thích của cô/cậu ấy là “đi dạo lòng vòng với chú chó nhỏ của mình” để nhấn mạnh rằng bạn ấy thích trò chuyện với mọi người và hiểu tầm quan trọng của giao tiếp – một kỹ năng vô cùng quan trọng trong nhiều môi trường.

Ví dụ 2:

Tôi tham gia các sự kiện thể thao gây quỹ từ thiện vài lần trong năm. Gần nhất, tôi đã tham gia Long Biên Marathon vào tháng 7 và tôi cũng đã có kế hoạch cho những sự diễn ra vào tháng 11 và 12 tới. Tôi thường duy trì thói quen tập thể dục với bạn bè sau giờ làm việc. Tôi tận hưởng bầu không khí trong lành, tìm hiểu các tuyến đường mới và kết nối với những người mới. Tôi cũng thích làm thiện nguyện, điều này rất hữu ích trong công việc của tôi. Tôi đã học được cách kết nối mọi người để tính tập thể.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Câu trả lời này gắn sở thích của ứng viên và cho thấy họ có kỹ năng cần thiết trong công việc và thể hiện rằng họ là người có trách nhiệm, quan tâm đến cộng đồng. Ngoài ra, những sở thích liên quan đến các hoạt động thể dục thể thao thể hiện ứng viên là một người tràn đầy năng lượng và có sức khỏe.

Bài học rút ra

  • Trung thực: Đừng nói về những sở thích và thú vui không phải là đam mê của bạn.
  • Liên quan tới công việc đang phỏng vấn để thể hiện các kỹ năng và phẩm chất có giá trị của bạn.
  • Tránh nói về các chủ đề cấm, chủ đề nhạy cảm
  • Không đi quá sâu vào các việc cá nhân

Câu hỏi 2: Tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn?

Những gì NTD muốn biết ở câu trả lời của  bạn đó chính là bạn có phải là ứng viên tốt nhất cho công việc mà họ đang tìm kiếm hay không? NTD muốn biết liệu bạn có tất cả các bằng cấp cần thiết cho công việc của họ hay không?

Bạn cần đưa ra một câu trả lời tự tin, ngắn gọn và tập trung giải thích những gì mà bản thân bạn tốt nhất cho công việc mà NTD đang tuyển dụng. Và lý do tại sao bạn nên được tuyển dụng vào công việc này.

Cách trả lời câu hỏi Tại sao NTD nên chọn bạn?

tại sao chúng tôi nên tuyển dụng bạn

Cách đầu tiên là giải thích tính cách hoặc đặc điểm cá nhân khiến bạn trở thành một ứng viên lý tưởng.

Cách thứ hai để trả lời là nhấn mạnh kỹ năng bạn có.

Một lựa chọn khác là cho NTD thấy rằng những gì bạn đã hoàn thành trong các vai trò trước đây của mình đủ điều kiện cho bạn cho vai trò này.

Chú ý đọc kỹ mô tả công việc và quy chiếu với bản thân mình để trả lời tốt câu hỏi này nhé.

Một số câu trả lời tốt nhất tham khảo

Hãy xem những câu trả lời sau đây và điều chỉnh cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của bạn.

Ví dụ 1:

Những công việc lễ tân trước đây đã cung cấp cho tôi những kinh nghiệm lý tưởng cho vị trí này. Trong 5 năm qua, tôi đã phát triển nhiều kỹ năng cần thiết cho công việc này, bao gồm trả lời điện thoại và email, xử lý thanh toán và nhập dữ liệu trên nhiều phần mềm.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Ứng viên đi vào chi tiết cụ thể trong việc liệt kê bộ kỹ năng cần thiết mà cô ấy có thể mang lại cho NTD. Quan trọng hơn là cô ấy cũng đã nhấn mạnh đến những kỹ năng này vì nó được đề cập trong mô tả công việc cho vị trí này của NTD”.

Ví dụ 2:

Tôi có khả năng dẫn dắt đội nhóm. Với công việc gần đây nhất là Trưởng nhóm Marketing tại Công ty ABC, tôi có thể nhận ra thế mạnh và điểm yếu của đồng đội để từ đó giao cho họ những nhiệm vụ phù hợp. Anh chị biết đấy, công việc này liên quan đến rất nhiều dự án nhóm và làm việc theo nhóm, và đây là điểm mà tôi vượt trội.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Ứng viên đã nói được công việc gần nhất, nhiệm vụ, hành động và kết quả mình đạt được. Bên cạnh đó, cô ấy/anh ấy tập trung chỉ ra rằng kinh nghiệm của bản thân phù hợp với việc làm việc nhóm là như thế nào.


Câu hỏi 3: Điểm mạnh của bạn là gì?

Đây là một trong những câu hỏi mà NTD hầu như luôn muốn hỏi để xác định được mức độ bạn có đủ điều kiện cho vị trí này không? Nếu bạn được hỏi về những điểm mạnh nhất của bản thân thì điều quan trọng là bạn phải nhấn mạnh được các kỹ năng kinh nghiệm của bạn có phù hợp cho công việc đó không – đây là những điểm làm nên sự khác biệt của bạn so với những ứng viên khác.

Cách trả lời câu hỏi về Điểm mạnh của bản thân

Điểm mạnh nhất của bạn là gì?

Cách tốt nhất để trả lời NTD khi được hỏi câu này là cho họ thấy được các kỹ năng và kinh nghiệm bạn có liên quan trực tiếp tới công việc mà họ đang tuyển.

Hãy chuẩn bị để trả lời bằng cách lập danh sách các tiêu chí được đề cập trong mô tả công việc và sau đó:

  • Liệt kê các kỹ năng của bạn phù hợp với những kỹ năng mà NTD đang tìm kiếm. Danh sách này có thể bao gồm bằng cấp, kỹ năng mềm, kỹ năng cứng hoặc kinh nghiệm làm việc trong quá khứ.
  • Thu hẹp danh sách của bạn xuống còn ba đến năm kỹ năng đặc biệt mạnh.
  • Bên cạnh mỗi kỹ năng, hãy chứng minh một ví dụ về cách bạn đã áp dụng điểm mạnh đó trong quá khứ.

Chú ý:

Hãy “chứng minh”, thay vì “liệt kê” mọi thứ. Ví dụ, thay vì nói rằng bạn là một người có kỹ năng giải quyết vấn đề giỏi thì hãy kể một câu chuyện chứng minh điều này, lý tưởng nhất là gắn nó vào với công việc mà NTD đang tìm kiếm ở bạn.

Các ví dụ về những câu trả lời hay để bạn tham khảo

Ví dụ 1:

Tôi có một thái độ làm việc nghiêm túc. Tôi không chỉ muốn hoàn thành các công việc đúng hẹn, mà đôi khi còn vượt cả tiến độ được giao. Năm ngoái, tôi thậm chí còn được công ty khen thưởng khi hoàn thành ba báo cáo tổng kết hoạt động của Phòng trước thời hạn một tuần.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Điểm mạnh của bạn đóng góp vào thành công trong công việc là một minh chứng thuyết phục để NTD “gật đầu” với bạn.

Ví dụ 2:

Tôi tự hào về kỹ năng dịch vụ khách hàng và khả năng giải quyết tình huống của mình. Với năm năm kinh nghiệm trong nghề, tôi đã học cách hiểu và giải quyết các vấn đề của khách hàng một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp tốt cũng giúp tôi làm việc trơn tru hơn với khách hàng, các thành viên trong nhóm và các cấp quản lý. Tôi còn được mọi người nhớ đến với khả năng thuyết trình hấp dẫn.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Câu trả lời này nêu bật một số điểm mạnh và cho người phỏng vấn thấy lý do tại sao những ưu điểm đó lại cần thiết cho sự thành công trong công việc.

Ví dụ 3:

Tôi là một đại diện bán hàng lành nghề với hơn 10 năm kinh nghiệm. Tôi đã vượt quá mục tiêu bán hàng của mình mỗi quý ít nhất 20% và hàng năm tôi đều được Sếp ghi nhận với thành tích vượt trội của mình.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Những điểm mạnh của bạn được chứng minh qua những con số rất cụ thể, điều này giúp NTD chấm thêm điểm cộng


Câu hỏi 4: Điểm yếu của bạn là gì?

Bên cạnh điểm mạnh thì nhiều NTD còn hỏi chúng ta về điểm yếu của bản thân. Bạn hãy tóm gọn câu trả lời xung quanh các khía cạnh tích cực về kỹ năng và khả năng của mình để biến điểm yếu trở thành điểm mạnh.

Khi hỏi câu này, ngoài việc muốn tìm hiểu xem bạn có đủ năng lực cho công việc, NTD còn muốn biết liệu rằng bạn có thể đảm nhận các thử thách và học các kỹ năng mới hay không.

Cách trả lời câu hỏi về Điểm yếu của bản thân

Câu hỏi 4: Điểm yếu của bạn là gì?

Mặc dù câu hỏi là về điểm yếu song khi trả lời thì bạn nên “lái” về mặt tích cực liên quan đến kỹ năng và khả năng của mình.

Cách trả lời 1: Thảo luận về các kỹ năng không thực sự quan trọng

Một cách tiếp cận để trả lời câu hỏi này là phân tích các kỹ năng chính và điểm mạnh cần thiết cho vị trí bạn đang phỏng vấn rồi sau đó thẳng thắn đưa ra vài điểm yếu không quá quan trọng tác động đến sự thành công trong công việc đó.

Ví dụ 1: Khi ứng tuyển vào vị trí điều dưỡng, bạn có thể chia sẻ rằng bạn không đặc biệt tự tin vào khả năng thuyết trình nhóm của mình. Trong trường hợp này, bạn phải làm nổi bật ưu điểm của mình là giao tiếp trực tiếp với bệnh nhân và đồng nghiệp. Đồng thời, có thể cung cấp những dẫn chứng về khó khăn của bạn khi thuyết trình trước các nhóm lớn.

Bạn hãy tham khảo thêm câu trả lời này:

Ví dụ 2:

Là một Copywriter, tôi không thực sự mạnh về khía cạnh những con số. Tôi tập trung phần lớn thời gian của mình vào việc sáng tạo nội dung với những con chữ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tôi bắt đầu làm quen với những công cụ viết lách kỹ thuật số và tôi nhận thấy rằng những-con-số thực sự rất thú vị.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Câu trả lời này nêu lên một điểm yếu không quan trọng cản trở ứng viên thành công trong công việc. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy ứng viên đã cải thiện và nâng cấp kỹ năng của mình như thế nào.

Cách trả lời 2: Đề cập đến các kỹ năng mà bạn đã cải thiện

Một lựa chọn khác là thảo luận về các kỹ năng mà bạn đã cải thiện trong công việc trước đây hoặc bạn đang tích cực cải thiện ở hiện tại. Điều này cho người phỏng vấn thấy rằng bạn là một người cầu tiến.

Chú ý:

Hãy nói về các bước bạn đã thực hiện để cải thiện, sau đó nêu bật kết quả. Hãy đảm bảo không đề cập bất kỳ điều gì liên quan đến sự thành bại của công việc hiện tại mà bạn đang ứng tuyển vì nó sẽ khiến NTD nghi ngờ.

Ví dụ:

Một lĩnh vực tôi đã cải thiện trong quá khứ là kỹ năng bán hàng. Là người quản lý sản phẩm nên tôi phải làm việc hàng ngày với đội nhóm của mình. Do vậy việc hiểu rõ hơn về các chiến lược và chiến thuật bán hàng của các bạn làm Sale sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của tôi. Tôi đã tham gia một khóa học kỹ năng bán hàng trực tuyến. Nó đã cải thiện cách tôi làm việc với các nhóm Sale và bây giờ, khi tôi tham gia các cuộc họp, tôi có ý tưởng tốt hơn về những gì đang diễn ra và tôi cảm thấy hiệu quả hơn khi giao tiếp với nhân viên của mình. Khóa học này cũng giúp tôi lên kế hoạch sản phẩm tốt hơn.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Nó cho thấy rõ ứng viên đã cải thiện như thế nào về các kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn.

Cách trả lời 3: Biến điểm yếu thành điểm mạnh

Tham khảo câu trả lời sau đây:

Tôi là một người chỉn chu trong công việc. Song đôi khi điều này lại trở thành cầu toàn quá mức. Tôi thường rất cẩn thận trong các tài liệu mình gửi ra cho tập thể nên thường kiểm tra lại nhiều lần. Kể từ đó, tôi đã học được cách lập ngân sách thời gian và đánh giá mức độ ưu tiên cho những công việc cần hoàn thành.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Ứng viên đã cho NTD thấy rằng cô/anh ấy có kỹ năng quản lý thời gian để tập trung vào những công việc đã định.


Câu hỏi 5: Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?

Người phỏng vấn thích hỏi câu hỏi này vì nó tiết lộ rất nhiều điều về bạn, chẳng hạn như:

  • Bạn tự ý rời khỏi vị trí này, hay bạn đã bị sa thải hoặc cho thôi việc?
  • Bạn có quan hệ tốt với công ty mà bạn nghỉ việc không?
  • Lý do nghỉ việc của bạn có hợp lý không?

Cách trả lời câu hỏi Vì sao bạn nghỉ việc hiện tại?

Tại sao bạn lại nghỉ việc ở công ty cũ?

Bạn cần đưa ra câu trả lời trung thực và phản ánh hoàn cảnh cụ thể của mình. Ngay cả khi nghỉ việc trong những hoàn cảnh khó khăn thì bạn vẫn phải giữ được tinh thần tích cực.

Với câu hỏi này NTD sẽ muốn biết lý do tại sao bạn lại muốn về làm việc cho công ty của họ. Khi trả lời, hãy bám sát thực tế và tập trung trực diện vào các dự định tương lai của bạn.

Các ví dụ về những câu trả lời hay để bạn tham khảo

Ví dụ 1:

Thú thực với anh/chị là tôi chưa có ý định thay đổi công việc. Lần này là do em được bạn bè giới thiệu. Em đã xem xét kỹ bản mô tả công việc và thấy thích thú. Những công việc mà công ty yêu cầu phù hợp với trình độ của em và đây là một cơ hội thú vị mà em không muốn lãng phí, do đó, em đã nộp CV và đến buổi phỏng vấn hôm nay.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Ứng viên đã nói rõ rằng vị trí đang ứng tuyển phù hợp với chuyên môn của anh/cô ấy – điều này sẽ khiến những người phỏng vấn thấy hứng vị.

Ví dụ 2:

Tôi đã nghỉ việc khi công ty cắt giảm nhân sự trong đợt dịch Covid-19, vì vậy tôi đang tích cực tìm kiếm việc làm.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Đây là một hành động tốt và ứng viên đã không có những cảm xúc tiêu cực.

Ví dụ 3:

Gần đây tôi đã đạt được chứng chỉ và tôi muốn áp dụng chuyên môn của mình vào vị trí công việc tiếp theo của mình. Tôi đã không thể hoàn thành mục tiêu này tại công ty gần nhất.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Câu trả lời cho thấy có vẻ ứng viên là một người ham học hỏi thực sự. Anh/Cô ấy mong muốn phát triển các kỹ năng và đưa những kỹ năng mới đó thực tế công việc.


Câu hỏi 6: Mức lương mong muốn là bao nhiêu?

Với NTD, câu hỏi này họ sẽ muốn biết bạn mong đợi để kiếm được bao nhiêu ở vị trí công việc này. Đây là một câu hỏi trực diện và cách trả lời khá phức tạp. Nếu trả lời không cẩn thận thì rất có thể bạn sẽ “out” khỏi danh sách những ứng viên tiềm năng cho vị trí này mà NTD đã lọc ra sau buổi phỏng vấn.

Cách trả lời khôn khéo câu hỏi về Mức lương mong muốn

trả lời câu hỏi mức lương mong muốn

NTD đưa ra câu này để biết liệu họ có đủ khả năng hợp tác với bạn hay không. Họ cũng có thể hỏi bạn điều này để xem bạn đánh giá cao bản thân và công việc của mình như thế nào.

Bạn nên:
  • Đề xuất một dải lương: Cho dù bạn đề xuất mức lương là cao hay thấp thì cũng nên tham khảo trước dải lương mà Công ty và Thị trường lao động đang trả cho vị trí của bạn. Một số Website hay để bạn khảo sát gồm Glassdoor.com; CareerBuilder.vn; Jobsgo.vn.
  • Linh hoạt: Ghim câu hỏi của NTD trong một câu trả lời mở, chẳng hạn như “Mức lương kỳ vọng sẽ là tương xứng với kinh nghiệm và trình độ của tôi”. Hoặc, “Nếu đây là công việc phù hợp với tôi, tôi chắc chắn chúng ta có thể đi đến thỏa thuận cuối cùng về mức lương.” Điều này sẽ cho thấy rằng bạn sẵn sàng thương lượng.
  • Suy nghĩ về mức lương hiện tại của bạn: Khi nghiên cứu về dải lương, bạn có thể lấy mức lương hiện tại làm điểm khởi đầu, đặc biệt nếu bạn chuyển sang làm việc trong cùng một ngành.
  • Suy nghĩ về mức tăng: Hãy suy nghĩ về mức lương mới mà Sếp sẽ tăng cho công việc hiện tại của bạn và đó có thể sẽ là một điểm khởi đầu tốt cho công việc mới sau này. Mức tăng tới 15% đến 20%…tạo động lực khiến bạn tìm kiếm cơ hội việc làm mới song vẫn đảm bảo mức chi trả của thị trường lao động cho số năm kinh nghiệm và chuyên môn của bạn.
  • Làm nổi bật kỹ năng của bạn: Trong câu trả lời của mình, bạn có thể nhấn mạnh một cách tinh tế lý do tại sao bạn phù hợp với vị trí này. Bạn có thể nói điều gì đó như, “Dựa trên 10 năm kinh nghiệm của tôi trong lĩnh vực này, tôi mong đợi một mức lương trong khoảng từ Y đến Z triệu đồng”. Trước khi đề cập đến bất kỳ con số nào, hãy nhắc người phỏng vấn lý do tại sao họ nên đề nghị mức lương cho bạn ngay từ đầu.
  • Hãy chuẩn bị để deal lương: Bạn có thể thỏa thuận với mức lương khởi điểm cao hơn. Hãy tiếp tục thương lượng cho đến khi bạn thực sự nhận được một mức thu nhập làm mình hài lòng.
Bạn không nên:
  • Tránh đưa ra một số tiền đã định: Tránh đề cập đến một mức lương cụ thể cho đến khi NTD đề cập đến nó thì việc thương lượng sẽ có lợi hơn cho bạn.
  • Đừng xa rời thực tế: Đừng yêu cầu mức lương 30 triệu đồng nếu thị trường lao động chỉ trả cho công việc của bạn một nửa. Bạn có thể mất đi cơ hội làm việc nếu đề xuất mức thu nhập cao hơn khả năng chi trả của NTD.
  • Đừng tiêu cực: Ngay cả khi bạn nhận được mức lương đề nghị thấp hơn kỳ vọng của mình thì hãy trả lời một cách lịch sự và hỏi xem liệu có thể thương lượng hay không.

Những câu trả lời tốt nhất để tham khảo

Ví dụ 1:

Dải lương tôi đề xuất rất linh hoạt. Tất nhiên, tôi muốn nhận mức thu nhập tương xứng với mức kinh nghiệm 10 năm và các thành tựu mà mình đã đạt được. Nói như vậy có nghĩa là tôi sẵn sàng thảo luận về các con số cụ thể khi chúng ta trao đổi chi tiết hơn về vị trí công việc này.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Câu trả lời cho thấy bạn là một người có đủ các tiêu chuẩn cho công việc mà họ đang tìm kiếm, nhưng đồng thời cũng rất mở khi thương lượng về lương.

Ví dụ 2:

Tôi muốn tìm hiểu thêm về vai trò và trách nhiệm của công việc mình đang ứng tuyển. Song, với những gì tôi biết thì với vị trí này thị trường lao động tại Hà Nội thường trả dao động từ X đến Z triệu đồng.

Với kinh nghiệm, kỹ năng và các thành tích của mình, tôi hy vọng sẽ nhận mức thu nhập xứng đáng trong khoảng từ Y đến Z triệu đồng.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Ứng viên thể hiện rằng anh/cô ấy nắm được tình hình chi trả cho vị trí của mình trên thị trường lao động tại nơi mình sinh sống (Hà Nội). Đồng thời, ứng viên cũng đề cập đến một mức thu nhập để mở ra cơ hội thương lượng với NTD.

Ví dụ 3:

Tôi khá cởi mở trong việc thảo luận về mức lương mà anh/chị đề xuất là phù hợp cho vị trí này. Tuy nhiên, dựa trên mức lương trước đây của tôi, chuyên môn và kinh nghiệm, cũng như hiểu biết của tôi về ngành này thì tôi mong đợi một mức lương trong khoảng từ X đến Y triệu đồng. Một lần nữa, tôi sẵn sàng thảo luận thêm về thu nhập với anh/chị.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Đưa ra lời ngỏ về việc thương lượng lương với NTD luôn là một cách làm đúng đắn.


Câu hỏi 7: Tại sao bạn lại chọn công ty chúng tôi?

Câu hỏi phỏng vấn này giúp bạn có cơ hội cho người phỏng vấn thấy những gì bạn biết về công việc và công ty mà mình ứng tuyển. Vì vậy, hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ về công ty, các sản phẩm, dịch vụ, văn hóa và sứ mệnh của họ.

tại sao bạn lại chọn công ty chúng tôi

Hãy trình bày cụ thể về điều gì khiến bạn phù hợp với công việc này, đồng thời đề cập đến các khía cạnh của công ty và vị trí thu hút bạn nhất.

Câu trả lời hay nhất

Dưới đây là một số câu trả lời khi bạn được hỏi về lý do bạn ứng tuyển vào vị trí công việc trong công ty của họ. Hãy sửa lại cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể và công việc bạn đang phỏng vấn.

Ví dụ 1:

Tôi muốn công việc này vì nó tập trung vào xây dựng nội dung & SEO  – hai trong số những kỹ năng lớn nhất của tôi. Trong công việc trước đây, tôi đã tăng lượng truy cập tự nhiên của Website lên 150% chỉ trong vòng 06 tháng . Tôi tin chắc rằng tôi cùng kinh nghiệm SEO hơn 5 năm của mình sẽ mang lại cho công ty sự tăng trưởng còn hấp dẫn hơn thế.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Câu trả lời này cực kỳ hiệu quả có dữ liệu thực tế có thể định lượng được về thành tích trước đây của ứng viên trong lĩnh vực SEO, cũng như nhắc nhở người phỏng vấn rằng họ sẽ có được thách tích còn “đáng nể” hơn nếu tuyển anh/cô ấy.

Ví dụ 2:

Tôi đã làm việc với tư cách là nhân viên vệ sinh răng miệng tại phòng nha khoa dành cho trẻ em trong hai năm qua.

Tôi có kinh nghiệm làm việc với các bé và rất thích thú với công việc này. Được làm việc tại phòng khám của anh/chị sẽ cho tôi cơ hội được áp dụng và phát huy các kỹ năng, kinh nghiệm của mình. Đây là môi trường làm việc mà tôi mong muốn được đến hàng ngày.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Câu trả lời này thể hiện kinh nghiệm, sự đam mê và nhiệt tình của ứng viên đối với công việc của họ.

Ví dụ 3:

Tôi muốn làm nhân viên bán hàng tại cửa hàng của anh/chị vì tôi biết mình rất phù hợp với công việc này. Tôi thích tương tác với mọi người và hỗ trợ họ. Tôi cũng có hai năm kinh nghiệm làm thu ngân tại các cửa hàng khác. Tôi là khách hàng thường xuyên của công ty anh/chị, vì vậy tôi rất muốn có cơ hội được công hiến cho thương hiệu mà tôi tin tưởng.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Ở đây, ứng viên thể hiện quen thuộc và ngưỡng mộ cá nhân đối với NTD, bên cạnh đó là làm nổi bật kinh nghiệm làm việc và kỹ năng dịch vụ khách hàng họ có.


Câu hỏi 8: Bạn xử lý căng thẳng và áp lực trong công việc như thế nào?

Với câu hỏi này, NTD muốn biết bạn sẽ làm gì khi mọi việc diễn ra không suôn sẻ và cách bạn đối phó với các tình huống khó khăn trong công việc như thế nào? NTD cũng muốn biết rằng bạn sẽ làm thế nào để xử lý căng thẳng (stress) nơi công sở.

Bạn xử lý căng thẳng và áp lực trong công việc như thế nào?

Để trả lời cho câu hỏi này, bạn tránh nói rằng bạn sẽ không bao giờ hoặc hiếm khi có căng thẳng trong công việc.  Thay vào đó hãy hình thành câu trả lời của bạn theo cách thừa nhận sự căng thẳng luôn xuất hiện tại nơi làm việc và hãy giải thích rõ ràng cách bạn vượt qua được sự căng thẳng đó. Hoặc thậm chí sử dụng căng thẳng để tạo áp lực làm lợi thế cho bạn vươn lên trong công việc.

Cách tốt nhất để trả lời câu hỏi này là chia sẻ một ví dụ về cách bạn đã xử lý thành công những căng thẳng và áp lực ở vị trí công việc trước đây.

Câu trả lời hay nhất

Ví dụ 1:

Đối với tôi, áp lực là một phần tất yếu trong công việc. Áp lực tốt — chẳng hạn như có nhiều việc và deadline phải trả giúp tôi luôn có động lực và làm việc hiệu quả hơn. Tất nhiên, có những lúc quá nhiều áp lực có thể dẫn đến căng thẳng. Tuy nhiên, tôi xây dựng được kỹ năng cân bằng khối lượng công việc và quản trị deadline. Khả năng này giúp tôi không cảm thấy stress quá mức. Ví dụ, tôi đã từng có ba dự án lớn phải trả deadline trong cùng một tuần. Bình thường thì đây là áp lực lớn, song tôi đã chia từng công việc lớn thành các nhiệm vụ nhỏ hơn nên tôi đã cố gắng hoàn thành cả ba project trước thời hạn và tránh được căng thẳng không cần thiết.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Câu trả lời này cho thấy rằng ứng viên thích làm việc dưới áp lực và phát triển mạnh trong các tình huống căng thẳng.

Ví dụ 2:

Tôi cố gắng ứng phó với các tình huống hơn là để căng thẳng xảy ra. Bằng cách đó, tôi có thể xử lý công việc mà không để stress làm ảnh hưởng. Ví dụ, khi giao tiếp với một khách hàng đang khiếu nại, thay vì bị cảm xúc chi phối thì tôi sẽ tập trung vào nhiệm vụ trước mắt. Tôi tin khả năng giao tiếp hiệu quả với khách hàng của mình trong những tình huống như thế này sẽ cả tôi lẫn họ (khách hàng) cảm thấy được-xoa-dịu.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Ứng viên chỉ ra cách họ biến căng thẳng thành hành động; biến sự tiêu cực thành tích cực để hoàn thành nhiệm vụ.

Ví dụ 3:

Tôi rất nhạy cảm với các biến động khi teamwork. Nếu có sự căng thẳng không tốt nảy ra trong nhóm, tôi có thể giải quyết chúng. Những gì tôi làm là cố gắng chủ động lắng nghe cảm nhận của những người xung quanh, thường xuyên kiểm tra xem họ có đang bị stress và áp lực hay không. Nếu có, tôi nghĩ về cách mình có thể giúp họ giải quyết công việc là như thế nào, để căng thẳng chung của cả nhóm không leo thang. Khi mọi thứ trở lại bình thường, tôi vui và mọi người cũng rất vui.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Nếu phỏng vấn vào vị trí quản lý thì câu trả lời này cho NTD thấy rằng bạn là rất quan tâm đến mức độ căng thẳng của nhân viên và cách bạn giúp họ vượt qua stress.


Câu hỏi 9: Câu hỏi về Kinh nghiệm làm việc

NTD hỏi những câu hỏi này để hiểu rõ hơn về nền tảng và kinh nghiệm làm việc của bạn có liên quan như thế nào đến vị trí mà họ đang tìm kiếm.

Một số câu hỏi thường gặp, bao gồm:

  • Bạn có thể nói đôi nét về kinh nghiệm làm việc của mình
  • Những kinh nghiệm làm việc của bạn tính đến nay giúp ích gì khi bạn ứng tuyển vào vị trí này tại công ty chúng tôi?
  • Bạn có nghĩ rằng kinh nghiệm của mình phù hợp với vị trí mà bạn đang ứng tuyển không?
  • Bạn có nghĩ mình đủ tiêu chuẩn cho vị trí này không?

Câu hỏi về Kinh nghiệm làm việc

Kinh nghiệm làm việc là dấu hiệu cho thấy bạn có phải là “viên ngọc quý” mà NTD đang tìm kiếm cho công ty họ hay không.

Tránh trả lời quá rộng. Cách hay nhất là mô tả chi tiết trách nhiệm và thành tích bạn đã đạt được ở công việc trước đây và kết nối chúng với công việc mà bạn đang phỏng vấn. Lấy ra các ví dụ cụ thể để NTD thấy rằng công việc trước đây giúp ích cho vị trí bạn đang ứng tuyển . Bạn càng phù hợp với yêu cầu công việc bao nhiêu thì cơ hội được chọn phỏng vấn của bạn càng cao bấy nhiêu.

Ví dụ những câu trả lời hay nhất

Ví dụ 1:

Số năm kinh nghiệm hiện tại là điểm cộng khi ứng tuyển vào vị trí này. Theo như mô tả công việc thì kỹ năng telesale là một phần quan trọng của công việc. Sự thực là tôi đã có ba năm làm việc tại call-center chuyên trả lời các cuộc gọi và tư vấn giải pháp cho khách hàng. 

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Câu trả lời này đề cập đến kinh nghiệm và kỹ năng cụ thể có giá trị đối với công việc.

Ví dụ 2:

Tôi đã làm thực tập sinh quản trị thương hiệu tại công ty ABC khi còn là sinh viên năm thứ 3. Tôi quyết định học xong đại học và sẽ trở thành một người làm Marketing. Kể từ đó, tôi làm việc tại một công ty truyền thông nhỏ để theo đuổi con đường đã chọn.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Câu trả lời thể hiện kinh nghiệm của ứng viên, sự phát triển nghề nghiệp và đam mê của họ. Nó cho thấy ứng viên là người có chủ đích về nghề nghiệp của mình.

Kinh nghiệm để có câu trả lời tốt nhất

Bạn nên:

  • Định lượng câu trả lời: Người phỏng vấn đang tìm những ứng viên có thể giúp công ty họ giải quyết công việc, cho dù đó là thúc đẩy doanh số bán hàng hoặc tuyển dụng khách hàng mới hay đạt được một số chỉ số khác.
  • Đưa ra các số liệu thống kê thuyết phục: Việc thể hiện rằng bạn đã tăng doanh số bán hàng lên X% hoặc tiết kiệm cho công ty chi phí là Y….sẽ khiến NTD cảm thấy thuyết phục với năng lực của bạn.
  • Thể hiện sự thành thạo về các kỹ năng được nêu trong bản mô tả công việc: Câu trả lời nên gắn thêm những dẫn chứng cụ thể, có thể định lượng được về thành tích, tác phong làm việc và kiến thức… sẽ cho NTD thấy kinh nghiệm thực chiến của bạn sẽ giúp ích như thế nào cho công ty của họ trong tương lai.

Bạn không nên:

  • Đừng trả lời như một cái máy: Bạn cần luyện tập cách nói chuyện tự nhiên và thoải mái nhất. Đừng cố học vẹt các câu trả lời. Tập trung vào những điểm chính cần nhấn mạnh để truyền đạt quan điểm của mình đến người phỏng vấn.
  • Đừng nói dối: Điều quan trọng khi đi phỏng vấn là sự trung thực. Đừng tô điểm công việc của bạn bằng sự giả dối bởi NTD có thể kiểm tra phần Thông tin tham khảo mà bạn ghi trong CV.

Câu hỏi 10: Mục tiêu của bạn trong tương lai là gì?

Với doanh nghiệp, sẽ tốn kém để thuê và đào tạo được một nhân viên. Với câu hỏi này, NTD muốn biết là nếu mà có một cơ hội làm việc tốt hơn thì liệu rằng bạn vẫn sẽ gắn bó với họ, với công việc hiện tại hay lại “đứng núi này, trông núi nọ”, muốn đi tìm hiểu công ty có vị trí công việc tốt hơn?

Hãy cố gắng giữ câu trả lời của bạn tập trung vào việc gắn bó và công việc vào công ty và chắc chắn với người phỏng vấn rằng vị trí công việc này phù hợp với mục tiêu dài hạn của bạn.

Cách trả lời câu hỏi về Mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai

Mục tiêu của bạn trong tương lai là gì?

Mục tiêu nghề nghiệp của bạn tốt hơn cả là liên quan đến công ty mà bạn đang phỏng vấn. Nếu các mục tiêu ấy không phù hợp với tầm nhìn tương lai của họ thì tốt hơn bạn nên nói một cách khéo léo.

Bạn có thể chia các mục tiêu này thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Hãy chuẩn bị những ví dụ để chia sẻ với người phỏng vấn.

Một số câu trả lời hay để bạn áp dụng

Ví dụ 1:

Mục tiêu ngắn hạn hiện tại của tôi là phát triển và sử dụng các kỹ năng tiếp thị và truyền thông của mình trong một công việc như vị trí này. Tuy nhiên, cuối cùng tôi muốn trở thành một người quản lý để học hỏi những kiến thức mới. Tôi sẽ chuẩn bị cho mục tiêu này bằng cách đảm nhận vị trí trưởng nhóm và nâng cao chuyên môn của mình thông qua việc tham dự các khóa học cần thiết.

Tại sao câu trả lời này lại “ghi điểm” với NTD: Câu trả lời này hay ở 2 điểm sau. Đầu tiên, ứng viên nói rằng mục tiêu ngắn hạn của họ có thể đạt được bằng cách làm việc trong một công ty giống như công ty mà họ đang phỏng vấn. Thứ hai, ứng viên thể hiện mục tiêu dài hạn của mình.

Kinh nghiệm để có câu trả lời tốt nhất

Bạn nên

  • Bắt đầu với mục tiêu ngắn hạn, sau đó chuyển sang mục tiêu dài hạn. Đừng quên đề cập rằng một trong những mục tiêu của bạn là có cơ hội làm việc tại công ty mà bạn đang phỏng vấn hôm nay.
  • Giải thích các hành động bạn sẽ thực hiện để đạt mục tiêu đó: Việc liệt kê các mục tiêu không thể hiện được sự chắc chắn. Thay vào đó, bạn hãy giải thích ngắn gọn thêm về các bước bạn sẽ thực hiện để đạt được các mục tiêu này. Ví dụ: Nếu muốn đảm nhận vai trò quản lý, hãy mô tả các bước bạn đã thực hiện hoặc sẽ thực hiện để trở thành người quản lý.

Bạn không nên

  • Tránh đề cập đến tiền lương
  • Tránh đi quá sâu vào các chi tiết cụ thể khi trình bày các mục tiêu. Thay vào đó, hãy nhấn mạnh đến các mục tiêu chung, chẳng hạn như các trách nhiệm trong công việc mà bạn phải nắm giữ. Điều này cho phép bạn cân bằng mục tiêu rõ ràng với một thái độ linh hoạt.

LỜI KẾT,

Đi phỏng vấn chưa bao giờ là một công việc dễ dàng.


Đó là một cánh cửa cực kỳ khó khăn mà bạn phải trải qua để có thể trở thành nhân viên chính thức làm việc tại một công ty. Vì vậy bạn nên chuẩn bị thật tốt cho buổi phỏng vấn từ trang phục, thái độ cho đến các kinh nghiệm, kỹ năng và cách nói thuyết phục để bạn có thể tạo ấn tượng tốt nhất đối với NTD. 

Hy vọng việc chỉ ra các câu hỏi mà NTD thường hay hỏi ứng viên và các câu trả lời hay nhất mà Danongviet.vn đã chuẩn bị sẵn sẽ giúp bạn có được sự tự tin thoải mái để có thể có một buổi phỏng vấn hiệu quả.

Chúc các bạn thành công.

Leave a Reply

Your email address will not be published.